Sinh ra và lớn lên ở Yên Bái, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy giáo Hà Văn Hoàn đã ấp ủ ước mơ ươm mầm và gieo cái chữ trên nẻo cao.
Thầy giáo trẻ Hà Văn Hoàn
Lúc mới ra trường, bố có bảo anh xin về dạy ở một trường gần nhà, nhưng sinh ra tuổi ngựa, mang tính cách của một người thích phiêu du, thích bay nhảy, anh như con ngựa cuồng chân, quyết định sẽ đi xa nhà và lên vùng cao dạy học.
Tuổi trẻ nên thích thử thách bản thân, quyết xách ba lô lên vùng cao dạy chữ
Sau khi tốt nghiệp năm 2012, thầy giáo trẻ đã thực hiện được ước mơ của mình. Năm đầu tiên đi làm anh được phân công nhiệm vụ giảng dạy tại 1 điểm thôn xa và khó khăn nhất của xã Pá Hu.
Ngày đầu tiên thầy đi nhận nhiệm vụ, phải đi bộ hơn 10km, vì trời mưa nên đường đất đỏ rât trơn. Anh đi từ 2h chiều đến gần 9h tối mới tới được điểm trường.
Ở nơi dạy học cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn
Làm việc cách nhà khoảng 90 km, không quá xa nhưng đường sá đi lại khó khăn, có khi 2 tháng thầy giáo trẻ mới về nhà một lần. ở giữa vùng núi cao, lúc thầy mới tới còn chưa có điện, sóng điện thoại còn chập chờn nhiều khi muốn gọi điện về nhà cũng không được.
Có những lúc nhớ gia đình quay quắt, cũng không thể gọi điện được, lại ngồi nhìn mấy đứa trẻ cho vơi đi nỗi nhớ.
Nhiều lúc nhớ gia đình lại ngắm bọn trẻ để vơi đi nỗi nhớ
Thầy Hoàn chia sẻ: “Trong quá trình công tác tôi đã gặp rất nhiều khó khăn như cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đường xá đi lại khó khăn vất vả. Nhưng điều khó khăn nhất đó cũng là vẫn đề về ngôn ngữ vì đa số là học sinh người Mông nên trong quá trình giảng dạy rất khó giải thích cho các em hiểu được.
Lần đầu tiên trải qua những hoàn cảnh đấy, nhiều khi tôi cũng đã có ý định bỏ nghề, nhưng nhìn lũ học sinh ra chơi là quấn quýt và nói chuyện, chia sẻ tôi cũng cảm thấy đỡ buồn. Rồi lại tự dặn lòng, mình thân nam nhi thì chuyện gì cũng vượt qua được.”
Càng dạy, càng có tình cảm với những đứa trẻ vùng cao
Nhờ có sự giúp đỡ của nhà trường, thầy giáo trẻ đã tham gia vào lớp học tiếng Mông và nhờ có sự tiếp xúc với các em học sinh và sự giao tiếp hàng ngày với người dân thì vốn tiếng Mông của thầy cũng khá dần lên.
Giao tiếp với học sinh ngày một nhiều, càng cảm thấy gắn bó, thương lũ trẻ nhiều hơn. Thầy tâm sự: “Cảm thấy như mình được tiếp thêm sự động viên để tiếp tục cố gắng và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình được giao vậy!”
Những gương mặt hồn nhiên, ngây thơ của các em học sinh khiến thầy có động lực hoàn thành nhiệm vụ hơn
Chia sẻ về những kỉ niệm sau 5 năm đi dạy ở vùng cao, thầy cười hiền và bảo: “sau 5 năm công tác trên vùng cao, có quá nhiều kỉ niệm để nhớ. Nhưng kỉ niệm nào cũng gắn với các em học sinh hồn nhiên ngây thơ cả. Nhớ ngày 20.11 đầu tiên, có những ngày, chúng đi học, hái hoa ven đường mang lên tặng cho thầy.
Hoặc có những hôm, phụ huynh biếu những chiếc bánh gia đình tự làm. Mặc dù những món quà ấy không có giá trị về vật chất nhưng đối với tôi đó là những món quà ý nghĩa mà tôi đã nhận được từ sự chân thành của các em.
Chẳng hoa đẹp, chẳng quà sang, chỉ bó hoa dại ven đường cho ngày 20/11 cũng khiến các thầy cô vùng cao hạnh phúc
ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP